Hoàng đế Khang Hy sinh được rất nhiều hoàng tử, và ai ai cũng tài giỏi ngang nhau, rất khó tìm ra được người kế vị xứng đáng nhất. Sau khi Thái tử Dận Nhưng bị tước bỏ ngôi vị, vì không ai chịu phục ai nên các vị hoàng tử đã lôi bè kéo cánh để tranh đoạt ngai vàng, tạo thành sự kiện “cửu vương đoạt vị”.
Lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, người thua cuộc ắt sẽ chịu nhiều bi đát. Hoàng trưởng tử Dận Thì là một trong những người khốn khổ nhất, ông đã bị vua cha giam lỏng trong 26 năm ròng rã.
Thực ra, Dận Thì không phải là con đầu lòng của Hoàng đế Khang Hy, nhưng vì những hoàng huynh của ông đều đã lần lượt yểu mệnh qua đời, nên nghiễm nhiên ông trở thành Hoàng trưởng tử. Dẫu vậy, ông không phải là Thái Tử.
Tranh vẽ Hoàng trưởng tử Dận Thì. (Ảnh: Aboluowang)
Vào năm Khang Hy thứ 14 (1675), Khang Hy đã lập Nhị A Ca Dận Nhưng lên ngôi Hoàng Thái Tử. Từ nhỏ, Dận Nhưng rất được phụ hoàng sủng ái, Nhị A ca được đích thân vua cha chăm sóc ở Càn Thanh cung, dạy đọc sách viết chữ. Nhưng khi lớn lên, vì mưu lợi cá nhân mà Dận Nhưng đã có rất nhiều biểu hiện thô bạo và bất nhân.
Vào năm Khang Hy thứ 47 (1708), Hoàng đế Khang Hy tuyên bố phế truất ngôi vị Thái Tử của Dận Nhưng với lý do “không trọng ân đức của tổ tiên, bất tuân những điều Trẫm giáo huấn, trở nên bạo lực và dâm loạn”. Bắt đầu từ lúc ấy, các vị A Ca bắt đầu dòm ngó đến việc kế vị ngai vàng và nổ ra sự kiện “Cửu vương tranh vị” trong lịch sử Đại Thanh.
Sau khi Dận Nhưng bị tước bỏ ngôi Thái tử, Dận Thì thập phần đắc ý. Khang Hy Đế lúc ấy cũng rất trọng dụng Dận Thì nên đã phân công ông giám sát Phế tử Dận Nhưng trên suốt đoạn đường từ tái ngoại về Kinh thành.
Hoàng trưởng tử trước nay đều nung nấu ý định tranh đoạt quyền lực để kế thừa sự nghiệp của Đại Thanh. Nay khi sự kiện phế Thái tử lần đầu tiên xảy ra, ông cho rằng thời cơ để ông giành được ngôi vị đã đến. Vì vậy, Dận Thì đã cả gan dâng tấu xin phụ hoàng xử tử hoàng đệ Dận Nhưng, Khang Hy nghe những lời đó từ con trai mình mà vô cùng sửng sốt và tức giận, liền thẳng thắn phê bình Hoàng trưởng tử.
Khang Hy rất đau buồn và thất vọng vì các con của mình “nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn”. Sau đó, cộng thêm việc Hoàng tam tử Dận Chỉ đã cáo buộc Dận Thì tội dùng vu cổ chi thuật hòng phế truất đương kim Thái Tử, âm mưu ám hại huynh đệ máu mủ, nhân chứng-vật chứng đều rõ ràng.
Khang Hy Đế đã vô cùng tức giận, khép Dận Thì vào tội “loạn thần tặc tử”. Nhưng vì không nỡ giết nhi tử thân sinh, Hoàng đế đã ra lệnh tước bỏ hết phong hiệu và giam lỏng ông ngay tại phủ đệ, cử quân lính trông coi chặt chẽ.
Dù bị giam cầm, nhưng Dận Thì vẫn đinh ninh cho rằng phụ hoàng vì nhất thời nóng giận nên mới hành động như vậy. Qua vài ngày, khi phụ hoàng nguôi ngoai, chắc chắn sẽ thả ông ra ngoài. Nhưng có lẽ Dận Thì sẽ không bao giờ ngờ rằng, ông sẽ bị giam lỏng đến 26 năm ròng rã. Cho đến khi Khang Hy đế băng hà vẫn không hề có chỉ lệnh phóng thích Hoàng trưởng tử.
Biết rằng mộng bá vương của mình đã chính thức khép lại, ông chấp nhận sự thật. Nhưng ông vẫn ôm hy vọng con cháu đời sau của mình sẽ được lên ngôi trị vì thiên hạ.
Vì thế, dù bị giam lỏng ở phủ đệ nhưng Dận Thì vẫn nạp rất nhiều thê thiếp, tổng cộng đến 16 người vợ. Trong suốt 26 năm nhàn rỗi, ông có được 29 người con – 15 hoàng nam và 14 hoàng nữ, để lại nhiều giai thoại cho con cháu đời sau.