Vào mùa xuân năm 220 sau Công nguyên, thành phố Lạc Dương chìm trong nỗi buồn.
Một ông lão gần bảy mươi điềm tĩnh sắp xếp tang lễ của mình trên giường bệnh.
Lúc hấp hối, ông không tỏ ra anh hùng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, mà chỉ chậm rãi thu xếp mọi chuyện cho gia quyến, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Ông lão đó chính là "gian hùng" Tào Tháo.
Nói về Tào Tháo, Tô Đông Pha (nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống) từng nói: "Bình sinh gian hùng, tử kiến chân tính."
Người đời sau chỉ thấy sự giả tạo và hai chữ "gian hùng" gắn với Tào Tháo mà bỏ qua cái "chân tính", cái "thật" trong đối nhân xử thế của ông.
Cũng giống như trong bộ phim lịch sử "Quân sư liên minh", Tào Tháo cảm thán: "Thế nhân, đều hiểu lầm Tào Mạnh Đức ta!"
01
"Thật" với bạn bè: tình bạn tốt đẹp nhất, là sự thành toàn
Mạnh Tử từng nói: "Bạn bè, quý ở hợp nhau, hợp nhau, quý ở thấu hiểu."
Có lẽ, với Quan Vũ mà nói, Tào Tháo vẫn chưa được xem là tri kỉ.
Nhưng đối với Tào Tháo mà nói, Quan Vũ lại chính là người mà Tào Tháo muốn trở thành bạn thân thiết.
Tháng giêng Kiến An năm thứ năm, Tào Tháo đích thân chinh đánh Từ Châu.
Thời tiết vẫn chưa chuyển sang ấm áp, nhưng khí thế của quân Tào không vì vậy mà giảm sút.
Trận chiến diễn ra thuận lợi, quân Tào chiếm được thành Hạ Bì, đánh đuổi Lưu Bị, bắt sống Quan Vũ.
Quan Vũ tuy là tù binh của Tào Tháo, nhưng Tào Tháo chưa bao giờ coi ông là tù nhân.
Ông cho Quan Vũ sự đãi ngộ cao nhất, phong ông làm tướng quân, thưởng cho ông vô số vàng và lụa, ban cho ông ngựa xích thố, hào phóng trọng dụng ông.
Nhưng trong thâm tâm Tào Tháo cũng biết, có thể giữ Quan Vũ nhất thời, chứ không thể giữ mãi.
Họ được định sẵn sẽ đi theo hai con đường khác nhau.
Và ngày ấy rất sớm đã đến, khi Quan Vũ biết được tung tích của Lưu Bị, ông kiên quyết rời bỏ Tào Tháo, về với anh cả Lưu Bị.
Thuộc hạ của Tào Tháo tức giận, muốn can ngăn Quan Vũ nhưng bị Tào Tháo ngăn lại.
Ông chỉ nhẹ nhàng lắc đầu: "Ai cũng có nơi mình thuộc về, không phải đuổi theo."
Tào Tháo và Quan Vũ, là cái giao tình của hai nước.
Trên cả lợi ích, đó là một sự trân trọng nhất định.
Tào Tháo ngưỡng mộ Quan Vũ, ban cho ông rất nhiều bất chấp những nghi ngờ trước đó, từ chức tước, tước vị, tiền bạc đến ngựa tốt.
Những thứ này rất có giá trị, nhưng chúng không phải là hiếm nhất.
Điều hiếm nhất là việc Tào Tháo ban cho Quan Vũ sự "thành toàn".
Thế nào là thành toàn?
Không phải cho anh tất cả những gì tôi có, mà là cho anh những gì anh thực sự muốn. Biết trái tim của anh đang hướng về đâu, tôi để anh đi tới đó.
Thành toàn, là tình bạn đẹp nhất, là sự chân thành triệt để nhất.
Việc Tào Tháo đối xử chân thành với người khác cũng giúp ông có được một mạng sống.
Trên đường Hoa Dung, Quan Vũ, người cũng coi trọng tình nghĩa và chính nghĩa, cũng dùng cách riêng của mình để báo đáp sự cảm kích và thành toàn năm xưa của Tào Tháo.
Biết thế nào là thành toàn, biết thế nào là không cưỡng cầu, đó là sự hào phóng trong tâm hồn, cũng là sự chân thành tuyệt vời nhất.
02
"Thật" với kẻ địch: tu thân cao siêu nhất, là tôn trọng
Trần Cung từng là ánh sáng trong cuộc đời Tào Tháo.
Ông là một trong những quân sư quan trọng nhất của Tào Tháo, với sự giúp đỡ của ông, Tào Tháo đã chiếm được Duyện Châu, chiến thắng được khởi nghĩa Khăn Vàng.
Ông thậm chí còn cứu mạng Tào Tháo.
Nhưng sau đó, hai người mỗi người một ngả, Trần Cung trở thành khoảng trống trong cuộc đời Tào Tháo.
Ông ta không chỉ khuyến khích thái thú Trương Mạc và những người khác nổi dậy chống lại Tào Tháo, mà còn cấu kết với Lữ Bố, vào thời điểm quan trọng khi Tào Tháo tấn công Hạ Bi, ông ta đã khuyên Lữu Bố đánh lén Tào Tháo nhằm mục đích ngư ông đắc lợi.
Đáng tiếc, Lữ Bố không phải Tào Tháo.
Lữ Bố không chấp nhận nhiều kế hoạch do Trần Cung đề xuất, sau cùng, chết ở Bạch Môn Lầu.
Còn Trần Cung, cũng bị trói và đưa tới trước mặt Tào Tháo.
Đúng vậy, một lần nữa Tào Tháo lại đứng trước cố nhân. Chỉ có điều, cố nhân giờ đây đã trở thành tù nhân.
Trước tình huống đó, Tào Tháo có nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Rất lâu sau đó, Tào Tháo nói: "Cung Đài, vẫn khỏe chứ?"
Trần Cung biết Tào Tháo muốn nói gì, ngẩng đầu nói: "Con người người tâm thuật bất chính, vì vậy ta mới bỏ người đi."
"Ồ? Ta tâm thuật bất chính, vậy Cung Đài vì sao lại đi phò tá Lữ Bố?"
"Lữ Bố tuy không có mưu lược, nhưng không xảo trá như ngươi."
"Cung Đài tự xưng mình túc trí đa mưu, vậy vì sao vẫn trở thành tù nhân như ngày hôm nay?"
"Ta chỉ hận Lữ Bố không tin lời ta. Nếu hắn chịu nghe, ta làm sao có thể bị bắt? Không cần nói nhiều, chẳng qua cũng chỉ là cái chết mà thôi."
"Ngươi chết rồi, mẹ già vợ con ở nhà phải làm sao?"
"Nếu đã bắt tay thì cho ta chết một cách nhanh gọn đi, còn về gia quyến, tùy ngươi xử trí."
Cuộc hội thoại giữa hai người diễn ra với sự dứt khoát.
Tào Tháo không nhẫn tâm giết, nhưng Trần Cung lại một lòng muốn chết.
Tào Tháo không còn cách nào khác, liền dặn dò thuộc hạ: "Lập tức đưa mẹ và vợ con của Trần Cung về Hữa Đô dưỡng lão, nếu chậm trễ, giết không tha." Nói xong, nước mắt không kìm được mà rơi xuống.
Trần Cung nghe xong, không nói thêm lời nào, nhắm mắt, chờ đợi được ban cho cái chết.
"Đưa về Hứa Đô, hậu táng." Sau cùng, Tào Tháo nói ra câu này.
Về phương diện tình cảm, Trần Cung từng là ân nhân của Tào Tháo. Về lợi ích, Trần Cung là kẻ thù tuyệt đối của ông.
Đó là sự tôn trọng mà Tào Tháo dành cho kẻ địch có mối quan hệ phức tạp này với mình, là cái "thật" của Tào Tháo.
Ông tôn trọng quyết định của Trần Cung, cũng tôn trọng những hành động của Trần Cung khi theo phò Lữ Bố, càng tôn trọng sự khảng khái quyết tâm với cái chết của mình.
Kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục.
Tôn trọng, trên bình diện nhân cách, là coi nhau là bình đẳng, không tâng bốc, cũng chẳng khinh miệt.
Tôn trọng bạn bè cũng như đối thủ là cấp độ cao nhất của tu thân.
Thế nào là giả? Là lời nói không đi đôi với việc làm, là không giữ lời hứa, lời nói không thành tín.
Thế nào là thật? Là thẳng thắn, là có sao nói vậy, là khảng khái, là giữ chữ tín.
Suy cho cùng, "thật", chính là không thẹn với lòng.
Cuộc đời Tào Tháo, ở một khía cạnh nào đó, ông đã có được cái "thật" hiếm có thời bấy giờ.
Còn về những thị phi ưu khuyết điểm, hậu thế sẽ tự phán định.
Alexx