Năm 1983 tại Trung Quốc, nhiều bức danh họa bị thất lạc, khó xác định danh tính thực sự nên không được đánh giá cao. Hành động mua tranh lúc đó thường bị xem như "ném tiền qua cửa sổ" vì khó có thể xác định bức tranh mình mua là hàng thật hay hàng giả.
Thế nhưng, một người đàn ông tên Hứa Hòa Trì(*tên tạm dịch) đã quyết định bỏ ra một số tiền không nhỏ vào thời điểm bấy giờ để mua toàn bộ 9.000 bức tranh được bán thanh lý tại một cửa hàng văn vật. Theo giới thiệu của cửa hàng, số tranh này bao gồm cả những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc như Tề Bạch Thạch, Trương Đại Thiên…
Gần 40 năm sau, bộ sưu tập ấy trở thành một kho báu vô giá với tổng giá trị ước tính lên đến hàng tỷ NDT. Quyết định "điên rồ" của Hứa Hóa Trì không chỉ thay đổi cuộc đời ông mà còn viết nên câu chuyện về lòng đam mê và tầm nhìn vượt thời gian.
Đam mê nghệ thuật và quyết định liều lĩnhHứa Hóa Trì sinh năm 1952 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong một gia đình có truyền thống hội họa. Cha ông, Hứa Lân Lư, là học trò của danh họa Tề Bạch Thạch và cũng là một nghệ nhân nổi tiếng. Từ nhỏ, Hứa Hóa Trì đã được tiếp xúc với bút lông, giấy Tuyên Thành và những câu chuyện về các danh tác hội họa.
Hứa Hóa Trì sinh ra trong gia đình có truyền thống hội họa nên thấm nhuần nghệ thuật từ rất sớm.
Trong môi trường ấy, ông hình thành quan điểm rằng giá trị của nghệ thuật không nên bị bó buộc bởi tiền bạc. "Chỉ cần tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tôi đều đem lòng yêu thích chứ không quan tâm giá tiền hay lợi nhuận đằng sau," ông chia sẻ.
Đầu những năm 1980, một phòng tranh nổi tiếng gặp khó khăn về tài chính nên quyết định bán ra không ít tác phẩm quý giá của các danh họa lúc bấy giờ. Mặc dù giá bán rất rẻ, có bức chỉ 5 NDT (tương đương khoảng 17 nghìn VNĐ) nhưng vẫn không có nhiều người mua.
Hứa Hóa Trì biết được rằng nếu phòng tranh này đóng cửa, 9.000 bức tranh danh giá có thể sẽ bị bán ra nước ngoài hoặc bỏ quên trong kho. Với niềm đam mê nghệ thuật và trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc, ông quyết định mua toàn bộ số tranh, bất chấp việc số tiền này khiến ông gần như khánh kiệt.
Quyết định của ông bị nhiều người chế nhạo. Họ gọi ông là "kẻ điên", thậm chí cho rằng số tranh đó sẽ "chết mục" trong tay ông. Nhưng Hứa Hóa Trì vẫn kiên định: "Tôi mua tranh không phải để đầu cơ mà vì tôi yêu nghệ thuật và muốn gìn giữ chúng."
Bước ngoặt khiến bộ sưu tập trở thành "kho báu"Thập niên 1990, khi Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế vượt bậc, người dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Các tác phẩm nghệ thuật, từng bị xem là vô giá trị, bỗng chốc trở thành món hàng được săn lùng. Giá trị của bộ sưu tập mà Hứa Hóa Trì sở hữu cũng tăng vọt.
Nhiều bức tranh từng được ông mua với giá vài NDT nay có giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu NDT. Một số tác phẩm của Tề Bạch Thạch thậm chí có thể được đấu giá lên tới hàng tỷ NDT và có những bức thậm chí "vô giá" vì không thể định lượng bằng tiền.
Tề Bạch Thạch (1864-1957) là tên tuổi vĩ đại của hội họa Trung Quốc, sở trường vẽ sơn thủy, hoa lá, chim cá. Kiệt tác của ông từng được định giá 140 triệu USD.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là Hứa Hóa Trì không bao giờ xem đây là khoản đầu tư. Ông giữ nguyên triết lý của mình: Nghệ thuật là để yêu thương và bảo tồn, không phải để mua bán.
"Những bức tranh mang giá trị lịch sử và văn hóa nên thuộc về quần chúng, không phải là công cụ để kiếm lời," ông nhấn mạnh.
Với tâm huyết ấy, Hứa Hóa Trì thành lập Heping Art World, một tổ chức chuyên bảo tồn và trưng bày nghệ thuật. Ông cũng nhiều lần hiến tặng các tác phẩm quý giá cho các bảo tàng và triển lãm công cộng khắp cả nước.
Không chỉ bảo tồn nghệ thuật, Heping Art World còn giúp phổ biến văn hóa thưởng thức nghệ thuật đến cộng đồng. Theo ông, nghệ thuật không chỉ dành cho một bộ phận hay tầng lớp riêng biệt, mà phải được đưa đến gần hơn với mọi người.
Nhìn lại hành trình của Hứa Hóa Trì, có thể thấy rõ hai yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của ông: niềm đam mê thuần túy và tầm nhìn vượt thời gian. Trong một thời đại mà mọi người chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, ông chọn con đường bền vững, giữ vững lòng yêu nghệ thuật và trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc.
Hứa Hóa Trì thành lập tổ chức chuyên bảo tồn và trưng bày nghệ thuật và nhiều lần hiến tặng các tác phẩm quý giá cho các bảo tàng, triển lãm công cộng khắp cả nước.
Câu chuyện của ông là minh chứng rõ nét rằng, giá trị thực sự của nghệ thuật không nằm ở con số trên thị trường mà ở khả năng truyền cảm hứng, kết nối con người và lưu giữ ký ức văn hóa.
Lời kếtHứa Hóa Trì từng bị gọi là "kẻ điên vì nghệ thuật", nhưng thực tế ông là một tấm gương sáng về lòng đam mê và trách nhiệm. Từ quyết định mua 9.000 bức tranh cho đến việc cống hiến chúng cho cộng đồng, ông đã chứng minh rằng nghệ thuật không chỉ là tài sản mà còn là di sản cần được bảo tồn và lan tỏa.
Câu chuyện của ông không chỉ là bài học về nghệ thuật mà còn là bài học về tầm nhìn và lòng can đảm. Trong nghệ thuật, cũng như trong cuộc sống, đôi khi "đam mê" chính là con đường dẫn đến những giá trị vĩnh cửu.