Mới đây, một đám cưới tại Cẩm Khê, Phú Thọ đã khiến nhiều người xúc động khi bởi câu chuyện đằng sau đó. Đó không phải một đám cưới như bao người bình thường: Cô dâu không về nhà chồng mới từ nhà bố mẹ đẻ mà lại được gả đi từ nhà chồng cũ.
“Hiếm ai có thể làm được điều như vậy”
Những ngày gần đây, mọi người xôn xao chia sẻ những hình ảnh trong một đám cưới đặc biệt diễn ra vào ngày 11/4. Chị Hoàng Bảo An (sinh năm 1993), được gả về nhà chồng từ nhà… bố mẹ chồng cũ chứ không phải bố mẹ đẻ. Đám cưới có một không hai này khiến nhiều người rơi nước mắt xúc động. Mối quan hệ và tình thương vô bờ giữa gia đình chồng và nàng dâu cũng là điều khiến nhiều người tò mò.
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi tìm đến xã Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) với mong muốn được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện phía sau. Khi hỏi về đám cưới vừa gây sốt trên MXH, ai cũng biết rõ.
Ngay từ đầu đường, những người hàng xóm xôn xao khi được hỏi chuyện: “Gia đình nhà cô Bảo An phải không, bà Hòa, ông Toán vừa làm đám cưới linh đình gả cô ấy đi lấy chồng đấy. Hiếm ai có thể làm được điều như vậy”. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi dễ dàng tìm được ngôi nhà tổ chức đám cưới có một không hai như vậy.
Ngôi nhà cấp 4 của 2 vợ chồng bà nằm sâu trong xã, phía ngoài sân vẫn còn những vật dụng phục vụ cho lễ cưới trước đó. Bà Hòa đang ngồi sắp xếp đồ dùng ngoài sân, thấy chúng tôi bà niềm nở mời vào nhà.
Không gian tổ chức đám cưới đặc biệt ngày 11/4. Nguồn ảnh: cafebiz
Không gian tổ chức đám cưới đặc biệt ngày 11/4.
Vừa rót chén nước mời dùng, Bà Hòa vừa cho hay: “Ngày 11/4 vừa qua, gia đình tôi có tổ chức 35 mâm cỗ, khách là hàng xóm, họ hàng của ông bà và bạn bè của cô con dâu Hoàng Bảo An. Trong lễ cưới, tôi cùng chồng là ông Toán đại diện cho nhà gái nhận sính lễ, tuyên bố gả Bảo An cho gia đình chồng mới của con.”
Đám cưới của chị Bảo An diễn ra với thủ tục bình thường như bao đám cưới ở xã Yên Dưỡng, nhưng khác ở chỗ, đại diện nhà gái là gia đình chồng cũ của cô dâu.
Theo bà Hòa, Chị An và chồng cũ (con trai bà Hòa) kết hôn vào tháng 11/2016. Hai tháng sau ngày cưới, cặp đôi vui mừng báo tin cho gia đình biết chị An đã mang thai. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, chồng chị bị tai nạn lao động qua đời.
Cú sốc mất đi người thân khiến chị An và bố mẹ chồng suy sụp. Đau khổ, nhưng thấy bố mẹ chồng suy sụp, chị An động viên ông bà: ”Người ta mất là hết, anh ấy vẫn còn để lại cho gia đình mình cu Bon, phải nhìn vào thằng bé mà gượng dậy bố mẹ ạ”.
Sau ngày chồng mất, chị An chuyển việc từ Hà Nội về Phú Thọ, sống gần gia đình chồng để ông bà bớt cô quạnh. “Đùm bọc, động viên nhau, gia đình tôi cùng vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất.” Bà Hòa kể.
Lo cưới cho con dâu như con gái ruột
Bà Đặng Thị Hòa thương con dâu như con đẻ. Trong mắt vợ chồng bà, chị An chẳng có điểm gì chê. Khi cháu trai ngày một lớn, vợ chồng bà liên tục thúc giục con dâu đi tìm hạnh phúc mới.
“Không thể chê trách con điều gì. Vợ chồng tôi coi nó như con gái, các con tôi luôn xem An là ruột thịt, không có phân biệt nào. Nhiều người 60-70 tuổi vẫn còn đi tìm cuộc sống riêng cho mình. Đằng này, Bảo An còn quá trẻ. Vì vậy lúc nào, chúng tôi cũng động viên con đi bước nữa.”
Biết bố mẹ chồng lo lắng cho tương lai của mình nhưng thời gian đầu, chị An nghe xong chỉ mỉm cười rồi vâng dạ. Phần vì chị muốn có thêm chút thời gian thay chồng phụng dưỡng cha mẹ, phần vì trong lòng vẫn chưa thật nguôi ngoai.
Cách đây ít lâu, người mẹ trẻ mới mạnh dạn mở lòng để đón nhận tình cảm với một người đàn ông cùng quê bởi lý do anh không chỉ yêu chị mà còn rất thương con trai của chị. Người đầu tiên chị An gọi điện xin phép được bắt đầu mối quan hệ mới chính là mẹ chồng.
Nhớ lại giây phút ấy, bà Hòa kể: “An có nhiều người theo đuổi, nhưng khi thấy ưng một người cùng làng, con có gọi điện xin phép tôi. Thú thực lúc ấy, tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi nghĩ đó là cảm xúc khó tránh khỏi khi một người mẹ trải qua mất mát. Nhưng sau cùng tôi vẫn ủng hộ con hết lòng và mong con thật hạnh phúc”.
Bà Đặng Thị Hòa nghẹn ngào chia sẻ về ngày đưa cô con dâu về nhà chồng mới.
Một tháng trước, chị An thưa chuyện với bố mẹ chồng về ý định tổ chức hôn lễ. Nghe con dâu chia sẻ, ông Trần Năng Toán khuyên con nên nói chuyện với bố mẹ đẻ mình.
“Tuy nhiên, khi ấy Bảo An nói, con là dâu con nhà mình, phải được bố mẹ chồng đồng ý thì con mới thưa chuyện với bố mẹ đẻ”, bà Hòa kể.
Ngay sau đó, vợ chồng bà Hòa bàn bạc và đi đến thống nhất sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho con dâu. Nhận được sự đồng ý của ông bà thông gia, vợ chồng bà Hòa đã họp anh em họ hàng, nhanh chóng lên phương án chuẩn bị cho đám cưới.
“Sau bao khó khăn, hi sinh, nay con dâu có người đứng ra bảo vệ, chăm sóc nên chúng tôi đã quyết định làm cỗ, mở tiệc gả con về nhà chồng mới. Nghĩ là thôi thì tổ chức cho An để suôn sẻ thôi, không ngờ lại được mọi người đón nhận như vậy. Công việc đã xong xuôi, chúng tôi cũng rất vui. Nhưng giờ nghĩ thấy thương An vì gánh trên vai trọng trách lớn quá khi phải cùng chăm lo cho 3 bên bố mẹ.”
“Đến giờ này, cô chú vừa là bố mẹ đẻ, cũng chính là bố mẹ chồng.” Bà Hòa nghẹn ngào nói.
Tổ chức 35 mâm cỗ, không nhận phong bì
Trước khi lễ cưới diễn ra, ông Toán còn động viên con dâu không phải băn khoăn, suy nghĩ về kinh tế. Ông có nhiều thì lo nhiều, có ít thì làm mâm cỗ đơn giản. Ông Toán cũng rất cân nhắc trong việc mời khách đến dự tiệc cưới của con dâu. Ông chuẩn bị 35 mâm cỗ và chỉ mời họ hàng thân hữu, hàng xóm đến dự tiệc mừng. Quan trọng nhất, ông muốn mọi người chứng kiến ngày vui gả con dâu của gia đình.
Đặc biệt, gia đình ông Toán không nhận phong bì, quà cưới từ khách mời. Từ lúc đi mời khách, ông đã căn dặn: “Bà con đến uống rượu mừng cho cháu, còn quà mừng thì nhà tôi không nhận. Chúng tôi chỉ muốn nhận được tấm lòng và sự hiện diện đầy đủ của quý quan khách”.
Đến ngày diễn ra lễ vu quy, khách mời đến dự đủ không thiếu một người. Lối vào tiệc cưới không có thùng nhận phong bì như bao đám cưới khác. Nhiều khách mời cố đưa phong bì nhưng đều bị gia đình ông Toán từ chối.
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu tốt đẹp, với bác gái thì chị An chẳng khác con ruột. Đám cưới được tổ chức hoành tráng, linh đình, không hề thua kém đám cưới đầu tiên chút nào.
Ngày cưới, trước khi lên sân khấu trao quà cho con dâu, bà Hòa được mọi người động viên và tự nhủ sẽ không khóc trong ngày vui của con. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc xúc động, bà không kìm được nước mắt và ôm con dâu vào lòng, dặn dò: “Con phải sống thật hạnh phúc nhé!”. Bà Hòa dặn con dâu, còn ông Toán dặn dò chú rể: “Sau này phải đối xử thật tốt với Bảo An đấy nhé!”.
Khoảnh khắc con gái cũng là con dâu bước lên xe về nhà chồng, hai ông bà đã khóc rất nhiều. “Tôi khóc đã đành, nhưng chồng tôi bình thường rất mạnh mẽ hôm ấy cũng phải bật khóc. Mọi người tham dự đám cưới cũng không kìm được nước mắt”, bà Hòa nhớ lại.
Ông Toán, bà Hòa cùng các con tại lễ cưới.Cậu con rể mới: “Thương An thương bé Bon nên mình quyết định sống với An”
Đang ngồi trò chuyện với chúng tôi, một lúc sau, chị An cùng anh Vinh (người chồng mới đến). Ngay từ xa, anh con rể mới cất tiếng cào to: “Con chào bố mẹ”. Khi hai người bước vào, bà Hòa giới thiệu đây là con rể mới của gia đình.
Ông Toán, bà Hòa cùng con dâu và cậu con rể mới.
Anh Vinh cho hay: “Mình biết An cũng đã được một thời gian. Trước giờ mình tiếp xúc với nhiều người khác giới nhưng để có thể phát triển tình cảm và hợp nhau thì chỉ có mình An. Nhiều người cứ hỏi tại sao lại lấy vợ có con rồi, tuy nhiên mình không quan tâm đến điều tiếng và trả lời rằng vì thương An thương bé Bon thì mình quyết định sống với An.
Nhân được nhiều lời hỏi, mình cũng có suy nghĩ 1 chút, nhưng mình xác định đến với An chỉ muốn được mọi người công nhận chứng kiến mình là con rể càng nhanh để mình có cơ hội chăm sóc An với bé Bon 1 cách quang minh chính đại.
Thực ra, từ trước mẹ Hòa cùng bố Toán đã nhiều lần động viên An nên đi bước nữa, tìm người thực sự yêu thương con. Có lần An còn kể cho mình mẹ Hòa nửa đùa nửa thật: “Bon lớn rồi, cũng cần có em thì con phải đẻ thêm”. Khi ấy mình rất vui vì An được bố mẹ yêu thương, nhưng cũng lo vì sợ bản thân không đủ tốt để được gia đình đón nhận.” Anh Vinh chia sẻ thêm.
Chị An cùng anh Vinh hạnh phúc trong ngày cưới.
Khi được hỏi về quãng thời gian sống cùng bố mẹ chồng, chị An bộc bạch: “Mình coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, còn bố mẹ thì coi mình như con gái vậy. Chưa bao giờ trong gia đình xảy ra “Cơm không lành, canh chẳng ngọt”.”
“Thực ra mình ở nhà bố mẹ đẻ rất ít, ở với bố mẹ chồng là chính. Mình là con của bố mẹ thì phải hỏi ý kiến, không nghĩ bố mẹ chồng dành nhiều tình cảm cho mình như vậy, đám cưới được chuẩn bị và diễn ra quá chu toàn.” Chị An chia sẻ về quyết định tổ chức lễ cưới ngay chính tại ngôi nhà của gia đình bố mẹ chồng.
Câu chuyện sau khi chia sẻ lên mạng xã hội cũng lập tức gây chú ý. Ai nấy cũng đều xúc động trước tấm lòng cao cả, tình yêu thương bao la, hiếm có của gia đình nhà chồng dành cho cô con dâu. Bên cạnh đó, nhiều người dành lời chúc đến cô dâu phải thật hạnh phúc bên bến đỗ mới, để không phụ lòng rất nhiều người yêu thương chị.
Sau đám cưới, chị An và bố mẹ chồng bất ngờ nhận được nhiều lời chúc mừng từ cộng đồng mạng. Vợ chồng bà Hòa như cởi được nút thắt trong lòng và toại nguyện khi đã đem đến cho con dâu niềm hạnh phúc.
Internet