Trong cuộc sống, những chuyện mâu thuẫn lẫn nhau, hơn thua đấu đá không chỉ thời nay, mà ở bất kỳ thời đại nào trong lịch sử cũng đều có, chỉ là tại mỗi thời kỳ biểu hiện có phần khác biệt. Vậy người xưa khi gặp mâu thuẫn hoặc nếu như phải tuyệt giao với ai đó, họ sẽ đối đãi như thế nào?
Cuộc đời con người có thiện duyên thì sẽ có ác duyên, nếu như một người biết khiêm tốn hạ mình xuống để thiện giải ác duyên, thế thì ác duyên trong đời sẽ ngày càng giảm thiểu, tương lai của người ấy nhất định sẽ dần trở nên tươi sáng.
Tuy nhiên khi con người xuất phát từ quan niệm tự tư để bảo vệ bản thân thì rất khó kiềm chế được cảm xúc, khi này phần lớn sẽ chọn cách lấy độc trị độc, lấy ác trị ác để đối đãi với những người công kích, lừa gạt mình.
Như thế kết quả nhận được ắt sẽ là lưỡng bại câu thương, cả hai cùng chịu thiệt hại, ác duyên không được thiện giải, tương lai không chừng lại có sự đề phòng khi phải phối hợp với nhau.
Vậy nên bậc quân tử hiền minh xưa dù có tuyệt giao cũng sẽ không nói xấu lẫn nhau, ngay cả khi họ bị đối đãi bất công, phải rời đi nơi khác cũng không nói lời xấu ác. Tu khẩu tích đức là việc mà đối với bất kỳ ai cũng chỉ đều có lợi mà không có chút hại nào.
“Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh” là một câu trong chương Yên Sách của Chiến Quốc Sách, đại ý muốn nói: người có tu dưỡng khi không qua lại với ai đó nữa thì cũng sẽ không nói những lời xấu ác khó nghe.
Nếu ta từ từ ngẫm nghĩ để cảm nhận nội hàm ý nghĩa bên trong câu nói đó, thì sẽ có thể lý giải được rằng, những người có phẩm chất cao quý khi cắt đứt quan hệ với người không hợp với mình thì họ đã phải suy nghĩ rất kỹ mới làm như thế, vì vậy họ sẽ không ôm hận trong lòng, sau đó vẫn sẽ giữ phong thái của một người quân tử khi đối diện với người kia.
Câu danh ngôn xuất phát từ một điển cố được chép lại trong Sử ký: Vào thời Chiến Quốc, Nhạc Nghị giỏi dụng binh, ông đã phò trợ Yên Chiêu Vương tấn công nước Tề lập được công lớn.
Sau này Yên Chiêu Vương qua đời, Yên Huệ Vương kế vị. Yên Huệ Vương không thích Nhạc Nghị, nước Tề lại dùng kế phản gian, khiến Yên Huệ Vương tước đi binh quyền của Nhạc Nghị. Nhạc Nghị sợ bị truy sát, nên đã chạy trốn đến nước Triệu.
Kết quả là quân nước Yên đại bại. Yên Huệ Vương viết thư muốn trị tội Nhạc Nghị. Nhạc Nghị trả lời rằng: “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh; Trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ danh”. Ý muốn nói một người quân tử, nếu đã tuyệt giao rồi thì sẽ không nói những lời xấu xa về đối phương, trung thần đã rời khỏi nước nhà, thì cũng không giải thích thanh danh trong sạch của bản thân.
Sau này Yên Huệ Vương không làm khó Nhạc Nghị nữa.
Lùi một bước biển rộng trời cao, phận ai cũng đều có an bài, hà tất ta phải nhọc tâmẢnh minh họa
Trong cuộc sống thực tế, việc mối quan hệ bạn bè rạn nứt, quan hệ đồng nghiệp không vui vẻ là chuyện bình thường, bạn bè nhất thời nóng nảy trở mặt thành thù cũng chẳng phải là lạ, vì thế nên mới có cái gọi là tuyệt giao.
Những người không có giáo dưỡng khi cắt đứt quan hệ sẽ to tiếng ầm ỹ, thậm chí động tay động chân, cuối cùng là thề đến chết cũng không giao thiệp, kết quả này thật sự đáng buồn.
Sau khi cắt đứt quan hệ mà lại còn dùng những lời xấu xa để công kích đối phương thì lại càng thiếu đạo đức.
Tục ngữ có câu: “Oan oan tương báo bao giờ mới dứt”, ác duyên không giải thì vĩnh viễn cũng sẽ không kết thúc được, đến cuối cùng vẫn là nguồn cơn khiến chính mình đau khổ.
Khoan dung, rộng lượng, khiêm tốn, nhẫn nhường là tiền đề lớn cho việc hóa giải ác duyên; những người có phẩm đức cao thượng thì trong tâm họ sẽ không có kẻ địch.
Thứ rắc rối nhất trong cuộc sống không phải là thiếu thốn về vật chất, mà là tinh thần không được bình yên tường hòa.
Luôn giữ tấm lòng nhẫn nhịn và biết cảm ơn thì có thể chấp nhận được sai lầm của người khác, sẽ không nói lời xấu xa thất đức. Những ai quyết chí tu tâm dưỡng tính, trước tiên hãy biết tu khẩu đã.
An Hậu Biên Tập