Không khí lễ hội rước 'ông lợn' trong đêm 3/2.
Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ rước 'ông lợn' ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) được tổ chức lại vào tối 3/2 (13 tháng Giêng) thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương tham dự.
Theo các cụ cao niên trong làng La Phù, lễ rước 'ông lợn' là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ sáu, đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi.
Để tổ chức lễ rước lợn, người dân làng La Phù phải chuẩn bị trước đó một năm. Việc chọn lợn phải tuân theo nhiều yêu cầu chặt chẽ đã được quy ước của làng như lợn được tắm rửa hàng ngày, ăn uống sạch sẽ, không được ăn thức ăn thừa, ôi thiu. Chủ lợn phải là gia đình văn hóa, nề nếp, con cái trong nhà phải có đủ gái và trai, không có tang trong vòng một năm.
Lợn trước khi tham dự lễ rước được đem đi thịt và làm thật sạch. Các 'ông lợn' được trang trí đẹp mắt với mắt giả, mũi giả, phần thân được phủ tấm lưới mỡ làm áo choàng và đặt lên một chiếc ban có lọng che để rước ra đình làng.
Năm nay, từ 10 xóm của làng La Phù đã chọn ra được 17 'ông lợn' đủ tiêu chuẩn để dâng tế.
Mỗi đoàn rước được chia làm nhiều phần khác nhau. Đi đầu là hai lá cờ đại đến đội nhạc kèn, múa lân. Theo sau là bàn độc với đủ đồ thờ như cây đèn, mâm ngũ quả, chèn oản, đỉnh trầm hương nghi ngút... sau đó đến mâm xôi. Kiệu của 'ông lợn' được khiêng bởi những thanh niên trai tráng trong làng. Theo sau cùng là đoàn tùy tùng là người dân của thôn, xóm đó.
Trong quá trình rước các 'ông lợn' về đình, mỗi thôn xóm còn biểu diễn những màn múa đẹp mắt khiến lễ hội thêm rộn ràng.
Nhiều gia đình thích thú chụp ảnh lưu niệm với các 'ông lợn'.
Trẻ em được bố mẹ cõng lên vai để tham gia lễ hội.
Con đường dẫn vào khu vực đình làng La Phù chật kín người tham dự.
Đến khoảng 20h30, sau khi dạo quanh làng các 'ông lợn' lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của những bậc cao niên.
Do lợn có khối lượng lớn nên việc di chuyển vào trong khó khăn. Hơn chục người đàn ông hợp sức khiêng mới có thể vận chuyển được.
Khi vào trong đình, các kiệu rước 'ông lợn' được bày quay ngang trước cửa hậu cung. 0h đêm ngày 14 tháng Giêng các bô lão trong làng bắt đầu nghi thức làm lễ và 6h sáng hôm sau xẻ lộc chia cho các hộ trong làng.
PV