Nếu Trung Hoa phong kiến nổi tiếng với những trang đời của các bậc tiên nhân từ Hoàng hậu, Hoàng thái hậu, Vua chúa cho đến các cung tần mỹ nữ thì chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam phải nói là còn quá nhiều bí ẩn về cuộc đời của các nhân vật thuộc dòng dõi hoàng tộc. Những câu chuyện đó không được nhiều người biết đến, mặc dù, những cuộc đời hoàng tộc cũng lắm bi ai ngang trái mà khi có dịp được nghe, ai ai cũng phải rơi nước mắt. Và trang đời của vị Hoàng thái hậu cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, mẫu thân của vua Bảo Đại là một trang đời tăm tối buồn bã như thế.
(Bên phải: ảnh Từ Cung Thái Hậu, bên trái: ảnh minh họa)
Vị Hoàng Thái hậu đó, chính là Từ Cung Hoàng thái hậu, thụy hiệu là Đoan Huy Hoàng thái hậu, là phi thiếp của Hoằng Tông Tuyên hoàng đế, tức vua Khải Định. Bà sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ có nhiều người đỗ đạt và làm quan, nhưng bà lại có hoàn cảnh chìm nổi hết sức hẩm hiu.
Tuổi thơ buồn tủi, nghèo khó của vị Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn
Từ Cung Thái hậu sinh ngày 27/1/1890 tại làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, bà có tên thật là Hoàng Thị Cúc. Thân sinh của bà là ông Hoàng Trọng Tích, thân mẫu là bà La Thị Sơn. Từ nhỏ, khi vừa sinh ra, Thị Cúc đã phải xa mẹ vì mẹ của bà đã bỏ đi để lấy chồng khác, để lại bà sống cùng với cha và hai anh chị cùng cha khác mẹ. Tuổi thơ của bà có thể nói là cơ cực khi gia đình không khá giả gì mấy, mặc dù cha bà từng giữ chức tri huyện tại Bình Định. Không lâu sau đó, cha bà qua đời, bà được người anh cả cùng cha khác mẹ nuôi nấng. Tuy nhiên vì người anh này quá ham mê cờ bạc trong khi gia đình túng quẫn, nên chẳng bao lâu sau, bà bị chính anh mình bán đi làm nô tì trong cung để lấy tiền phục vụ cho việc ăn chơi.
(Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Thế là trang đời tăm tối của bà ở cùng gia đình cũng từ đây mà kết thúc. Vì bản chất nghèo khó nhưng lương thiện, lại nhu mì hiền lành, khi vào cung bà liền được đưa đi để phục vụ cho bà Tiên Cung – vợ góa của vua Đồng Khánh, cùng Hoàng tử Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này). Lúc đó, Hoàng Tử Bửu Đảo đang giữ chức Phụng Hóa Công và đã có vợ là con gái của đại quan đầu triều, nhưng cả hai người sống với nhau lâu mà không có con. Điều này khiến bà Tiên Cung vô cùng buồn lòng vì lo hoàng tộc không có người nối dõi.
Tuy nhiên, cơ may của cô tì nữ Thị Cúc nghèo nàn ngày nào cũng bắt đầu vì đó mà một bước lên đời. Sử sách chép lại rằng vì thấy tì nữ Thị Cúc nhu mì hiền dịu, nhan sắc cũng không đến nỗi nào nên Hoàng tử Bửu Đảo mỗi lần vào thăm mẹ mình là bà Tiên Cung đã để ý rồi tư tình qua lại. Và chuyện gì đến cũng đến, cái kết của những lần qua lại tình cảm mật thiết giữa Hoàng tử và cung nữ cuối cùng cũng có kết quả, thời gian ngắn sau, vào năm 1913, bà Hoàng Thị Cúc sinh hạ công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này).
Từ Cung Thái hậu. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Bà Tiên Cung biết chuyện, mặc dù rất tức giận vì cho rằng con trai mình thuộc dòng dõi Hoàng tộc, trong khi Thị Cúc chỉ là một người hầu thấp hèn thì làm sao có thể xứng đôi vừa lứa. Nhưng dù vậy, bà Tiên Cung cũng không thể nào nhắm mắt bỏ qua được sự thật rằng, Thị Cúc đã sinh cháu cho mình, một đứa con trai có thể nối dõi để duy trì quyền lực hoàng tộc. Thế là bà Tiên Cung đành nhắm mắt làm ngơ, chấp nhận cho mối tình này. Thế là từ một hầu nữ, Thị Cúc một bước trở thành vợ của một Hoàng tử triều Nguyễn.
Năm 1916, Hoàng tử Bửu Đảo được tôn làm vua, lấy niên hiệu là Khải Định. Dù ông có rất nhiều người vợ xuất thân quyền quý nhưng với việc sinh hạ cho vua người con trai duy nhất, bà Hoàng Thị Cúc đã có một vị thế không thể suy chuyển trong triều đình. Bà được Khải Định phong là Nhị Giai Huệ Phi hai năm sau ngày chồng mình đăng cơ.
Từ Cung Thái hậu. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Vợ vua nhưng như người vô hình, không được ở gần con, mâu thuẫn với mẹ chồng
Cứ tưởng, cuộc đời của cô thị nữ nghèo nàn dạo nào êm ả từ đây khi một bước “lên mây” trở thành phi, nhưng không, cuộc sống sau đó của bà cũng không khá gì hơn khi phải chịu cảnh gièm pha của “mẹ chồng” là Thái hậu Tiên Cung và sự bất lực của người chồng đầu ắp tay gối. Sử liệu chép lại, dù đã chấp nhận mối lương duyên này của con trai mình và tì nữ nhưng việc Thị Cúc nay là Huệ Phi không phải con nhà danh giá vẫn khiến bà Tiên Cung vô cùng ác cảm.
Vì vậy, ngay khi Hoàng tử Vĩnh Thụy mới chào đời, Huệ phi lập tức bị cách ly khỏi con trai. Bà Tiên Cung đón cháu nội của mình về cung riêng, tự chăm sóc, nuôi nấng mà không cho phép con dâu mình tiếp cận. Thậm chí, những khi Hoàng tử khát sữa mẹ, bà Tiên Cung mới cho người gọi Huệ phi đến cho bú rồi lại đuổi về. Huệ Phi gần như không được một ngày chăm sóc con, những lúc nhớ con, bà không làm gì được, cũng chỉ biết ngồi trong cung mà khóc, không dám đến gặp con, cũng không dám kêu than với Khải Định. Sau này, khi hoàng tử Vĩnh Thụy lớn hơn một chút, Huệ Phi cũng không được ở gần con. Ngày ngày, nhiệm vụ của bà chỉ là lo xem sở thiện sẽ nấu món gì cho Hoàng tử ăn và phải đảm bảo sao cho các món ăn đủ chất nhất.
Từ Cung Thái hậu và vua Bảo Đại lúc còn nhỏ. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Cuối cùng, nói là vợ Vua, là mẹ của một Hoàng tử nhưng Huệ phi cũng như một người vô hình trong cung cấm. Số phận bắt bà xa mẹ từ nhỏ, giờ lại bắt bà chịu thêm cảnh xa con khi tưởng như cuộc đời đã viên mãn sung sướng hạnh phúc. Khi con trai Vĩnh Thụy của mình lớn hơn nữa, cứ nghĩ đứa trẻ nào lớn lên cũng sẽ biết trắng đen phải quấy, ai là mẹ mình mà về bên phụng sự yêu thương, nhưng chưa kịp đoàn tụ, Hoàng tử đã được cho đi du học Pháp. Huệ Phi vốn đã xa con, nay còn xa hơn bội phần.
Đến năm 1925 vua Khải Định băng hà, con trai bà là Vĩnh Thụy đang học bên Pháp được gọi về nối ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại rồi mới trở lại Pháp học tiếp. Năm 1932, vua Bảo Đại học xong về nước trị vì, tôn phong bà là Đoan Huy Hoàng Thái hậu vào năm 1933, thường gọi là Từ Cung Thái hậu.
Từ Cung Thái hậu bên cạnh vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và Công chúa nhỏ. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Cái kết của một cuộc đời buồn: bất đồng với con dâu, xa cách con cháu, chết trong cô độc nghèo khó
Và rồi, tròn một năm sau đó, cuộc sống của bà lại đảo lộn khi chính bà phải lâm vào hoàn cảnh của mẹ chồng mình năm xưa. Năm 1934 vua Bảo Đại làm lễ thành hôn với Hoàng Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, một cô gái theo đạo Công giáo và có tư tưởng vô cùng tân thời, trong khi Từ Cung Thái hậu lại là một người sùng đạo Phật và là một người phụ nữ quy củ của triều đình Huế xưa. Từ những thứ khác nhau này, Từ Cung Thái hậu và Hoàng hậu Nam Phương không ít lần xảy ra cuộc chiến ngầm.
Chuỗi ngày sau đó, nhiều biến cố lịch sử xảy ra, nhà Nguyễn bước vào ngưỡng suy vong, vua Bảo Đại thì lao vào các cuộc giao thương chính trị, con dâu thì không vừa mắt, cháu thì xa cách, Thái hậu Từ Cung cũng chỉ biết lủi thủi sống một mình bện cạnh những người tì nữ. Về sau, nhà Nguyễn suy vong hoàn toàn, năm 1955, bà rời khỏi cung và sống tại căn nhà số 79 phố Phan Đình Phùng, thành phố Huế cho đến cuối đời.
Từ Cung Thái hậu bên cạnh vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và con cháu. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Những năm tháng cuối đời của Thái hậu Từ Cung, bà lại trở về cuộc sống cô đơn và nghèo khó, không có con cháu bên cạnh. Nhưng dù cuộc sống khó khăn, chật vật đến mấy, kể cả việc phải bán dần từng món đồ trang sức, thì Từ Cung Thái hậu vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn cho đến giây phút cuối cùng.
Thậm chí, năm 1968 khi Huế rơi vào tình trạng mưa bom lửa đạn, bà vẫn không rời khỏi vùng đất cố đô nửa bước, kiên quyết ở lại để bảo vệ những hoàng hoa cuối cùng của một triều đại suy vong, bà nói: “Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được”. Năm 1980, sức khỏe ngày càng yếu đi nhưng bà vẫn minh mẫn, tỉnh táo nhưng luôn luôn chất chứa một nỗi buồn khôn xiết về số phận không được ở bên gia đình của mình.
Từ Cung Thái hậu. (Ảnh tư liệu lịch sử Việt Nam)
Bà chỉ ao ước duy nhất một điều là được một lần gặp lại vua Bảo Đại – người con trai duy nhất cùng những đứa cháu nội của bà. Ước mơ đó đã không bao giờ trở thành sự thực. Đến khi mất, người duy nhất ở bên bà lúc đó là người cung nữ trung thành Lê Thị Dinh. Về phần vua Bảo Đại, khi hay tin mẹ mất, ông cũng không xuất hiện. Số tiền Từ Cung Thái hậu để lại chỉ đủ để những người hầu thân cận lo ma chay cho đám tang. Cuộc đời Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn kết thúc trong nỗi buồn khôn tả như thế.