Trước đó, vào mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão, lễ hội Gióng tại Sóc Sơn đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của Thành phố Hà Nội dịp đầu Xuân. Lễ hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 3 ngày (27, 28, 29-1), với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.
Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc cho biết: sau ba năm ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19, lễ hội năm 2023 đã được tổ chức trở lại với quy mô và nghi thức truyền thống vốn có. So với các năm trước đây, phần lễ cơ bản vẫn được giữ nguyên. Theo đó, sau lễ dâng hương, đánh trống khai hội là phần lễ rước 8 vật phẩm tiến cung của các thôn làng gồm: Giò hoa tre của thôn Vệ Linh, Ngựa chiến của thôn Phù Mã (xã Phù Linh); Voi chiến của thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược; Ngà Voi của thôn Đức Hậu, xã Đức Hoà; Cỏ voi của thôn Yên Sào, xã Xuân Giang; Trầu cau của thôn Đan Tảo, Cầu húc của thôn Xuân Dục, xã Tân Minh; rước Tướng của thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú.
Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp rằm Tháng Giêng, Đền Sóc sẽ tổ chức Lễ Thượng Nguyên. Tại Lễ Thượng Nguyên, các du khách thập phương sẽ được tham gia dâng lễ, dâng hương, dâng sớ cầu an tại các đền, sau đó sẽ được thụ lộc Thánh và thực hiện nghi thức thả đèn hoa đăng.
Lễ Thượng Nguyên đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá, tâm linh của người dân. Không chỉ vậy, Lễ Thượng Nguyên hàng năm còn hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của đền Sóc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
Khu di tích lịch sử đền Sóc nằm dưới chân Núi Sóc là nơi gắn với truyền thuyết anh hùng Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Đền Sóc được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962 và xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Năm 2010, UNESCO đã vinh danh Hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Ảnh: BTC
Đức Hạnh